Cửa sổ trời (Sunroof) đang trở thành tính năng phổ biến trên nhiều dòng xe, được xem là một trong những trang bị để so sánh độ tiện nghi giữa các dòng xe với nhau. Dù không được sử dụng thường xuyên, nhưng trong một vài tình huống khẩn cấp, tính năng này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều.
1. Giải phóng khí độc hại trong xe
Sau một thời gian đóng kín cửa, không khí trong xe sẽ chứa nhiều chất hóa học độc hại như benzen, formaldehyde. Qua một đêm, sáng sớm việc đầu tiên khi lên xe nên mở cửa sổ trời để khí độc hại trong xe được đẩy ra ngoài.
2. Giảm tiếng gió
Trong quá trình xe chạy ở tốc độ cao, nếu mở cửa sổ ở hai bên, lái xe thường bị ảnh hưởng bởi tạp âm và tiếng gió mạnh, từ đó gây mất an toàn cho hành trình. Nếu lúc này mở cửa sổ trời và đóng cửa sổ hai bên, sẽ có tác dụng tốt giúp ngăn chặn được ảnh hưởng nói trên.
3. Giảm nhiệt độ trong xe
Dưới tác động của mặt trời khiến nhiệt độ trong xe tăng mạnh, có thể lên tới hơn 40 độ C. Thực tế chứng minh, muốn nhanh chóng làm giảm nhiệt độ trong xe một biện pháp hữu ích là mở cửa sổ trời và cùng lúc bật điều hòa sử dụng chế độ lấy khí bên ngoài.
Chờ đến khi không khí nóng được loại bỏ gần hết và điều hòa đã làm lạnh xe thì có thể đóng cửa sổ trời, điều chỉnh về chế độ tuần hoàn khí bên trong.
4. Ngăn khí thải xâm nhập vào trong xe
Khi bị tắc đường, tất cả các xe đang ở trạng thái dừng hoặc di chuyển rất chậm, do đó khí thải từ xe sẽ bao phủ không khí xung quanh. Lúc này, mở cửa sổ trời và đóng các cửa sổ bên cạnh, các khí thải trong xe sẽ nhanh chóng được đẩy ra ngoài; không khí bên ngoài sẽ được điều hòa lọc phần lớn khí độc hại sau đó mới đưa vào trong xe.
5. Loại bỏ hơi ẩm đọng trên kính
Mùa hè và mùa thu nước mưa nhiều, trong quá trình vận hành hơi nước trong xe không dễ tản ra, khiến xe bị ẩm, xuất hiện hơi nước trên mặt kính. Lúc này cách tốt nhất để loại bỏ hơi sương chính là sử dụng cửa sổ trời. Chỉ cần mở đến vị trí thông gió cánh hậu thì lập tức phát huy tác dụng đánh tan sương mù, hơn nữa cũng đảm bảo cho việc lái xe an toàn.
6. Lối thoát hiểm
Trong một số tình huống như tai nạn hoặc rơi xuống nước, ngoài các cánh cửa thông thường trên xe, cửa sổ trời cũng là một lối thoát hiểm có thể nghĩ đến; đặc biệt đối với người ngồi sau đôi khi bị kẹt bởi những hàng ghế phía trước.
Góc đặt bánh xe nếu bị sai lệch sẽ ảnh hưởng đến độ êm, độ mòn lốp và khả năng vận hành. Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng xe lại chủ quan không để ý khi bảo dưỡng.
Tại sao phải điều chỉnh góc đặt bánh xe
Bánh xe có ảnh hưởng quyết định đối với khả năng vận hành của ô tô, bởi đây là bộ phận duy nhất tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, đồng thời còn có nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ trọng lượng xe. Có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan làm cho góc đặt bánh xe bị sai lệch so với chuẩn của nhà sản xuất. Sau một thời gian sử dụng, các liên kết của hệ thống treo, lái trên xe sẽ bị mài mòn hoặc rơ, đặc biệt trong trường hợp xe thường xuyên phải di chuyển trên đường địa hình xấu, đường đồi núi, sỏi đá… Hay cũng có thể do người lái thường leo xe lên vỉa hè theo góc chéo, xe bị đâm, va quẹt, chở quá tải…
Góc đặt bánh xe tác động trực tiếp khả năng vận hành và độ an toàn khi lưu thông
Do những sai lệch về góc đặt bánh xe diễn ra từ từ và không đem đến hậu quả tức thì nên phần lớn lái xe chủ quan hoặc không hề hay biết về vấn đề này. Có những xe sai lệch ít được phát hiện sớm thì ảnh hưởng không đáng kể, nhưng có những xe đã phải chịu hậu quả rõ rệt mới được chủ xe mang đi khắc phục. Việc không phát hiện và điều chỉnh kịp thời có thể dẫn đến một số tình huống nguy hiểm cho cả chiếc xe lẫn người sử dụng, chẳng hạn như lốp mòn không đều, bánh xe bị rung giật, bánh lái có xu hướng lệch sang một bên khi xe chạy thẳng, vị trí bánh xe bị lệch trục, hay thậm chí còn trở thành nguyên nhân gây “mất lái”.
Một chiếc xe cho cảm giác lái nhẹ nhàng, chính xác và linh hoạt, hay phải khiến người lái tốn rất nhiều sức mới điều khiển xe đi đúng hướng, đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ góc đặt bánh xe. Thiết kế góc đặt bánh xe tối ưu không chỉ giúp vận hành êm ái và an toàn hơn mà còn đảm bảo độ bền cho các chi tiết cơ khí. Chính vì thế, trong thực tế sử dụng và bảo dưỡng, chủ sở hữu xe cần duy trì theo chuẩn ban đầu bằng cách kiểm tra định kỳ và hiệu chỉnh khi cần thiết.
Thông số cơ bản khi điều chỉnh góc đặt bánh xe
Camber, Toe và Caster là 3 thông số cơ bản ảnh hưởng đến góc đặt bánh xe
Toe – Độ chụm bánh xe
Toe – độ chụm bánh xe là hiệu số khoảng cách giữa hai má lốp đo từ phía sau và khoảng cách giữa hai má lốp đo từ phía trước trên cùng một trục xe, điều chỉnh Toe là căn chỉnh thẳng theo hướng tịnh tiến của hai bánh xe trên cùng một trục. Độ chụm bằng 0 khi hai bánh song song nhau, hiện tượng Toe-in (độ chụm dương) xảy ra khi khoảng cách giữa hai má lốp ở phía trước ngắn hơn so với khoảng cách hai má lốp ở phía sau, còn Toe-out (độ chụm âm) thì ngược lại.
Độ chụm dương hay âm đều khiến xe vận hành kém êm ái hơn
Cả hai trường hợp Toe-in và Toe-out đều ảnh hưởng đến độ êm của xe khi vận hành, mà biểu hiện là đầu xe và vô lăng điều khiển bị rung, xe bị “nhao lái”, lốp mòn không đều và thường tạo nên vết mòn hình răng cưa giữa các gai lốp, trường hợp nặng thậm chí còn có thể làm lốp bị hỏng rất nhanh, mà nhiều người quen gọi là xe bị “ăn lốp”: Độ chụm quá dương sẽ ăn mòn má ngoài lốp, quá âm sẽ ăn mòn lốp má trong.
Góc Camber
Camber là góc giữa trục thẳng đứng của bánh xe dẫn hướng với trục thẳng đứng của xe khi nhìn từ phía trước hoặc sau. Camber được tính bằng độ và phút, Camber bằng 0 (Zero Camber) khi bánh xe vuông góc với mặt đường, Camber dương (Positive Camber) khi bánh xe ngả ra ngoài, Camber âm (Negative Camber) khi bánh xe úp vào trong.
Góc Camber ảnh hưởng đến bề mặt tiếp xúc giữa bánh xe và mặt đường
Cho dù là Camber dương hay âm cũng làm giảm bề mặt tiếp xúc của bánh xe với mặt đường, ảnh hưởng đến độ bám, từ đó giảm sự chắc chắn của xe khi vận hành, và khiến độ mòn của lốp không đều. Nếu độ mòn của lốp ở phần vai phía trong nhiều hơn là do camber âm. Ngược lại, nếu vai phía ngoài mà bị mòn nhiều hơn thì do camber dương. Ngoài ra, tình trạng này có thể khiến lốp ồn hơn, thậm chí gây khó chịu cho người ngồi bên trong xe.
Góc Caster
Caster là số đo của góc giữa trụ thẳng đứng của bánh xe và trụ lái. Khi Caster dương thì bánh xe sẽ ở phía trước so với đầu trụ thẳng đứng, và ngược lại sẽ ở phía sau đầu trụ theo chiều tiến của xe. Caster tác động trực tiếp đến tốc độ đánh lái của vô lăng điều khiển và bán kính vòng quay, Caster càng nhỏ thì hành trình vô lăng càng nhẹ. Khi xe chạy quá tải khiến lò xo yếu hoặc bị chùng xuống phía dưới sẽ ảnh hưởng đến Caster. Ngoài ra, đảm bảo khung sườn ở độ cao thiết kế cũng là yếu tố nên được lưu ý nếu muốn giữ Caster ở mức chuẩn.
Góc Caster chuẩn giúp tay lái cân bằng, xe vận hành ổn định và vào cua an toàn
Caster bằng O khi trục quay bánh lái trùng với phương thẳng đứng, Caster dương (Postive Caster) khi trục quay bánh lái ngả về phía sau, Caster âm (Negative Caster) khi trục quay bánh lái ngả về phía trước. Tuy Caster sai tiêu chuẩn không gây mòn lốp, nhưng nếu một bánh xe có Caster dương hơn chiếc còn lại, thì khi đó bánh xe sẽ kéo về phía trung tâm của chiếc xe, khiến cho xe sẽ có xu hướng nhao về phía bánh có hệ số dương Caster ít hơn.
Nhìn bằng mắt thường, khó có thể phát hiện được những tác động do sai lệch góc đặt bánh xe gây ra, đến khi xảy ra hậu quả thì đã muộn. Vì vậy, tốt hơn hết nên tiến hành kiểm tra và điều chỉnh lại góc đặt bánh xe tối thiểu mỗi năm một lần, hoặc sau 10.000 km vừa phòng ngừa hư hỏng lại giúp kéo dài tuổi thọ xe. Hơn nữa, nhờ có nhiều loại máy móc công nghệ cao, quá trình kiểm tra và hiệu chỉnh góc đặt bánh xe hiện nay đã trở nên chính xác và thuận tiện hơn so với các kỹ thuật truyền thống.